Một số vướng mắc của ngành dệt may trong sản xuất kinh doanh tập trung về quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn tại ba miền; phương án sớm đưa Nhà máy sơ sợi Đình Vũ vào sản xuất.
Công nhân ngành may sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh:Hằng Trần/BNEWS/TTXVN
Một số vướng mắc của doanh nghiệp dệt may trong sản xuất kinh doanh đã được các doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trong ngành dệt may tổ chức mới đây.
Các vướng mắc tập trung về quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn tại ba miền; phương án sớm đưa Nhà máy sơ sợi Đình Vũ (PVTEX) vào sản xuất; sửa đổi Thông tư số 49/2015/TT-BCT về quy định sản xuất hoặc gia công quân trang, quân phục cho nước ngoài…
Về phía Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng đề xuất cần sớm giải quyết vướng mắc cho ngành dệt may như: Bộ Thông tin và Truyền thông sớm tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định cấp phép nhập khẩu máy in trên sản phẩm dệt may; Bộ Tài chính nghiên cứu để các doanh nghiệp sử dụng vải trong nước sản xuất hàng xuất khẩu không phải nộp thuế giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan nghiên cứu quy định và hướng dẫn cụ thể cho phép nguyên phụ liệu đưa đi gia công tại cơ sở sản xuất khác cũng được miễn thuế nhập khẩu. Nhà nước nghiên cứu không tăng lương tối thiểu vùng hàng năm mà từ 2-3 năm mới tăng một lần hoặc theo nguyên tắc khi CPI tăng từ 10% trở lên mới điều chỉnh một lần.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng đề nghị Bộ luật Lao động năm 2012 cần sớm được sửa đổi quy định về giờ làm thêm, trợ cấp thôi việc. Đồng thời, sửa đổi những bất cập trong Luật Bảo hiểm xã hội về thời gian hưởng tỷ lệ lương hưu tối đa đối với nam và nữ, trợ cấp thất nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nên nghiên cứu, sửa đổi Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT về kiểm dịch động vật. UBND thành phố Hải Phòng tính toán lại hợp lý phí cảng biển. Nhà nước hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng, các khâu sản xuất thượng nguồn của dệt may.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết sẽ đại diện cho các doanh nghiệp tiếp tục gửi văn bản kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách trình Chính phủ để xem xét các vấn đề trên.
Về các đề xuất liên quan đến ngành dệt may, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ này đã trình Chính phủ văn bản đề nghị sửa đổi Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định cấp phép nhập khẩu máy in trên sản phẩm dệt may. Có thể trong tháng 12/2017, Nghị định sửa đổi sẽ được ban hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dệt may.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ngoài Nghị định 60/2014/NĐ-CP có thể được sửa đổi theo ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp vào tháng 12/2017, thì hầu hết các vấn đề nổi cộm nêu trên chưa biết đến bao giờ sẽ được tháo gỡ. Trong khi đó, thị trường thay đổi từng ngày, từng giờ, việc một số những cơ chế, chính sách gây khó khăn cho doanh nghiệp nếu chậm thay đổi sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp dệt may và thậm chí mất đi nhiều cơ hội quý./.
Nguồn Hằng Trần/BNEWS/TTXVN