Công nghệ mới giúp biến vải dệt thành vật liệu kháng COVID-19 hiệu quả

Quần áo không phải phương tiện lây nhiễm nCoV chính nhưng trước nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng virus có thể tồn tại trên bề mặt vải áo quần trong một khoảng thời gian nhất định, một số công ty dệt may đã bắt đầu tạo ra những dòng sản phẩm có khả năng kháng virus và tung ra thị trường.

Là những người đi đầu trong xu hướng này, công ty HeiQ của Australia mới đây đã tuyên bố phát triển thành công một phương pháp xử lý vải dựa trên công nghệ Vesicle và kháng khuẩn bạc, cho phép tiêu diệt và vô hiệu hóa nCoV bám trên quần áo.

Trong thử nghiệm thực tế được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty của Australia, nồng độ nCoV có trong các hạt sol khí đã giảm 99,99% sau một vài phút đến 30 phút tiếp xúc với vải denim được xử lý bằng công nghệ Viroblock NPJ03.

thumbnail_1146311_720x460

“HeiQ đánh giá cao nỗ lực của Viện Doherty khi thực hiện thử nghiệm này. Việc xác nhận tác dụng diệt nCoV của công nghệ Viroblock là một cột mốc quan trọng.

Đây là một phần trong những nỗ lực không ngừng của chúng tôi nhằm cung cấp các sản phẩm dệt may có khả năng kháng virus cao hơn, góp phần phòng chống đại dịch trên toàn cầu”, Giám đốc điều hành HeiQ Carlo Centemony nhấn mạnh.

HeiQ cho biết thêm rằng công nghệ Viroblock có thể ứng dụng trên tất cả các sản phẩm dệt như quần áo, khẩu trang, khăn hay ga giường. Khả năng diệt virus vẫn hoạt động trên các sợi vải được xử lý trong tối đa 30 lần giặt.

Một số thương hiệu thời trang denim như DL1961 và Warp + Weft đã tuyên bố hợp tác với HeiQ để tạo ra các dòng quần jean kháng virus. Sản phẩm dự kiến ra mắt vào tháng 10 năm nay.

Bình An