Điểm tới hạn của ngành dệt may đã xuất hiện

[ad_1]

(ĐTCK) Ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã VGT) đã nhận định như vậy khi đánh giá về ngành dệt may Việt Nam trước tác động của đại dịch Covid-19. 

Trong tài liệu gửi tới các cổ đông, Chủ tịch Vinatex đề cập tới nguy cơ thiếu hụt lao động đang ngày càng tăng sẽ tạo áp lực lớn đối với các doanh nghiệp dệt may nói chung và Vinatex nói riêng trong việc duy trì và mở rộng sản xuất.

Theo ông Nghị, điểm tới hạn của mô hình sản xuất kinh doanh dựa chủ yếu vào nguồn lao động giá rẻ như ngành dệt may đã xuất hiện, báo hiệu trước một giai đoạn không tăng trưởng, thậm chí thoái trào của ngành, trước hết là về hiệu quả.

Cũng theo ông Nghị, ngoài mối lo thiếu hụt nguồn nhân lực, thách thức còn đến từ mức độ cạnh tranh cao và không còn đơn thuần là cạnh tranh về giá như những năm trước, mà bằng cả công nghệ.

“Nguy cơ bị bỏ lại vì công nghệ tụt hậu và cả sự sắp xếp, phân bổ chuỗi cung ứng toàn cầu với các chuẩn mực mới cho cộng đồng đòi hỏi tư duy chiến lược thận trọng, tính toán bước đi kỹ lưỡng, nhưng vẫn phải nhanh vì tốc độ thay đổi là rất lớn”, ông Nghị nhấn mạnh.

Sự thận trọng phần nào được thể hiện trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 của Vinatex. Năm nay, Tập đoàn đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt là 14.640 tỷ đồng và 381,6 tỷ đồng, giảm tương ứng 27% và 50% so với kết quả năm 2019.

“Vinatex tính toán những tác động trong 2 quý đầu năm, cũng như ảnh hưởng hậu kỳ của dịch Covid-19 tới chuỗi cung ứng sản xuất và thị trường xuất khẩu làm kết quả kinh doanh hợp nhất các đơn vị sụt giảm. Ngoài ra, do một số đơn vị đã thoái vốn, chuyển liên kết, nên số liệu sản xuất kinh doanh năm 2020 sẽ không còn hợp nhất vào báo cáo của Tập đoàn dẫn đến giảm doanh thu và lợi nhuận”, ông Nghị lý giải.

Tương tự, kế hoạch lợi nhuận 2020 của riêng Công ty mẹ Vinatex cũng giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu đạt 1.328 tỷ đồng, tương đương 95% doanh thu năm 2019; lợi nhuận trước thuế đạt 130,4 tỷ đồng, chỉ bằng 44,4% so với năm 2019.

Nguyên nhân được HĐQT Vinatex giải trình là vì doanh thu từ cổ tức của các đơn vị thành viên giảm tới 42% so với năm 2019 do dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh thu và lợi  nhuận đều giảm mạnh nên tỷ lệ chia cổ tức cũng giảm theo.

“Bên cạnh đó, doanh thu tài chính giảm còn do các doanh nghiệp khó khăn nên hoãn, giảm dòng tiền cổ tức, thuê tài sản về Tập đoàn. Do đó, mục tiêu lớn nhất của các đơn vị thành viên đặt ra trong năm 2020 là bảo toàn được bộ máy hoạt động, đảm bảo khả năng thanh toán qua đại dịch”, ông Nghị nói.

Có thể thấy, việc giảm mạnh chỉ tiêu lợi nhuận có thể ảnh hưởng tới kế hoạch trả cổ tức của Vinatex và bên chịu thiệt chính là các cổ đông Công ty, nhất là các cổ đông lớn.

Hiện tại, cổ đông lớn nhất tại Vinatex là Nhà nước với tỷ lệ sở hữu 53,49% do Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) làm đại diện vốn.

Tiếp đó là Itochu Corporation – tập đoàn kinh doanh đa ngành của Nhật khi đang nắm giữ 13% vốn (tương đương 65 triệu cổ phần) và Tập đoàn Vingroup với tỷ lệ sở hữu 10% (tương đương 50 triệu cổ phần).

Để hạn chế sự tác động trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biễn phức tạp, ông Nghị cho biết, trong chiến lược giai đoạn 2020-2025, Vinatex sẽ tập trung sáng tạo, đổi mới mô hình quản lý, kinh doanh, công nghệ và sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, Vinatex cũng sẽ tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp với việc triển khai huy động thêm vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, tiến hành mua bán – sáp nhập doanh nghiệp tốt song song với thoái vốn tại doanh nghiệp kém hiệu quả.


[ad_2]